Những điều cần biết về vô sinh nam: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng bệnh

Vô sinh nam chiếm khoảng 20% trong các cặp vợ chồng vô sinh. Tình trạng này ngày càng trở nên phổ biến, khiến cho nhiều nam giới tự ti, đồng thời ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và hạnh phúc gia đình. Chính vì vậy, hiểu biết về vô sinh nam và chủ động phòng ngừa là một vấn đề rất quan trọng. Bài viết dưới đây của Bangkok Hospital sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về vô sinh nam, cùng tìm hiểu nhé.

Thế nào là vô sinh nam?

Theo Tổ chức Y Tế Thế Giới, một cặp vợ chồng gọi là vô sinh khi sống cùng nhau trên một năm và không dùng biện pháp tránh thai nào mà vẫn không có con. Vô sinh nguyên nhân có thể xuất phát từ người chồng hoặc người vợ hay từ cả vợ và chồng.

Vô sinh nam là bệnh lý ở nam giới khiến cho người chồng không có khả năng sinh con. Vô sinh nam chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 20% trong số các cặp vợ chồng. Việc thăm dò các nguyên nhân gây vô sinh nam còn nhiều hạn chế, xét nghiệm tinh dịch đồ gần như là phương pháp thăm dò duy nhất dùng để chẩn đoán bệnh.

Kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ cho phép tìm ra nguyên nhân gây vô sinh, tuy nhiên kết quả bình thường cũng không cho phép loại trừ nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới. Bên cạnh đó, xét nghiệm tinh dịch đồ cũng rất thay đổi, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, vào thời điểm làm xét nghiệm, chính vì vậy khi kết quả bất thường cần phải kiểm tra lại sau một thời gian để đảm bảo tính khách quan và chính xác.

Phân loại vô sinh nam

Theo y học, vô sinh nam được chia làm 2 loại: Vô sinh nam nguyên phát và vô sinh nam thứ phát.

  • Vô sinh nam nguyên phát (vô sinh 1):

Hai vợ chồng chưa bao giờ có thai, mặc dù đã sống với nhau trên một năm và không dùng một biện pháp tránh thai nào. Nguyên nhân xuất phát từ người nam.

  • Vô sinh nam thứ phát (vô sinh 2):

Hai vợ chồng trước đó đã có con hoặc đã từng có thai, nhưng sau đó lại không thể có thai nữa mặc dù đang sống với nhau trên một năm và hoàn toàn không dùng bất kỳ biện pháp tránh thai nào. Nguyên nhân gây vô sinh xuất phát từ người nam.

Nguyên nhân gây vô sinh nam

Vô sinh nam bị ảnh hưởng bởi các yếu tố sau:

Bất thường giải phẫu và tinh dịch đồ.

  • Để có khả năng thụ thai, chất lượng tinh dịch đồ ở nam giới phải đảm bảo. Điều này liên quan mật thiết với sự hình thành và phát triển của cơ quan sinh sản nam trong độ tuổi dậy thì. Các bất thường giải phẫu như: Giãn tĩnh mạch thừng tinh, tinh hoàn ẩn, lỗ tiểu đóng cao, lỗ tiểu đóng thấp…đều ảnh hưởng tới khả năng thụ thai.
  • Số lượng tinh trùng và tinh dịch đồ thấp cũng sẽ làm giảm khả năng thụ thai.
  • Ngoài số lượng, chất lượng tinh trùng cũng ảnh hưởng nhiều tới khả năng thụ thai. Một số bất thường về chất lượng tinh dịch đồ như tinh trùng dị dạng, tinh trùng yếu, di chuyển yếu… đều ảnh hưởng tới sự tiếp cận và xâm nhập vào noãn của bạn tình. Điều này cũng làm giảm khả năng thụ thai.
    số lượng, chất lượng tinh trùng cũng ảnh hưởng nhiều tới khả năng thụ thai
    Số lượng, chất lượng tinh trùng ảnh hưởng nhiều tới khả năng thụ thai

Các bệnh bẩm sinh và mắc phải.

Khả năng sinh sản ở nam giới có thể đến từ các vấn đề sức khỏe như sau:

  • Xuất tinh ngược dòng: Vấn đề này xảy ra khi tinh dịch không đi ra ngoài theo sinh lý, tức là xuất ra ở dương vật mà đi ngược vào bàng quang trong lúc đạt cực khoái. Một số nguyên nhân có thể gây ra xuất tinh ngược dòng như: Chấn thương cột sống thắt lưng, mắc bệnh tiểu đường, tiền sử phẫu thuật tiền liệt tuyến, bàng quang hay niệu đạo…
  • Các khối u: Ung thư hay các khối u lành tính thì đều có thể ảnh hưởng tới cơ quan sinh sản của nam giới. Một số trường hợp điều trị bệnh như phẫu thuật, xạ trị hay hóa trị để điều trị thì đều có thể gây vô sinh.
  • Cơ thể có kháng thể kháng tinh trùng: Nếu hệ thống miễn dịch bị bất thường, nhận nhầm tinh trùng là yếu tố lạ và có hại cho cơ thể, các tế bào miễn dịch sẽ sản xuất ra các kháng thể chống lại tinh trùng và loại bỏ chúng.
  • Mất cân bằng hormone sinh dục: Vô sinh nam cũng có thể xuất phát từ các nguyên nhân gây bất thường hệ thống nội tiết dưới đồi – tuyến yên – tinh hoàn. Lượng testosterone thấp là một trong những nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới.
  • Tinh hoàn ẩn: Ở nam giới, một số trường hợp trong quá trình phát triển bào thai, một hay cả hai tinh hoàn đều không di chuyển xuống bìu mà còn nằm trong ổ bụng. Điều này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng tinh trùng, từ đó dẫn tới vô sinh.
  • Bất thường ống dẫn tinh: Các ống vận chuyển tinh dịch, tinh trùng có thể bị tắc ở một hoặc nhiều đoạn như: Ống dẫn tinh, mào tinh, ống phóng tinh… làm giảm khả năng phóng tinh và thụ tinh. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này có thể do phẫu thuật, chấn thương, nhiễm trùng hay do bẩm sinh.
  • Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Do tình trạng sưng nề dẫn tới giãn các tĩnh mạch trong bìu. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân làm giảm chất lượng tinh trùng.
  • Bất thường nhiễm sắc thể: Một số hội chứng di truyền có thể gây ra bất thường về giải phẫu ở cơ quan sinh dục của nam giới cũng như ảnh hưởng tới chất lượng tinh trùng như: Hội chứng Klinefelter, hội chứng Down, hội chứng Kallmann…
  • Rối loạn chức năng: Giảm ham muốn, rối loạn cương dương, rối loạn phóng tinh, xuất tinh sớm, chứng giao hợp đau… đều ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình và khả năng mang thai.
  • Mắc các bệnh nhiễm trùng: Các bệnh nhiễm trùng như viêm mào tinh, viêm tinh hoàn, hay các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục đều có thể ảnh hưởng tới việc sản xuất cũng như chất lượng tinh trùng. 
  • Do sử dụng thuốc: Ở người đang sử dụng steroid đồng hóa thời gian dài, sử dụng liệu pháp thay thế hormone, các thuốc chống viêm, chống ung thư…đều có thể gây ảnh hưởng tới số lượng và chất lượng tinh trùng.
  • Tiền sử phẫu thuật: Các cuộc phẫu thuật như phẫu thuật tiền liệt tuyến, bìu, tinh hoàn, thắt ống dẫn tinh… đều có thể gây nên vô sinh nếu quá trình điều trị gặp rủi ro.

Do môi trường.

  • Do tiếp xúc với môi trường khắc nghiệt có nhiệt độ cao như làm việc ngoài trời tiếp xúc nhiều tia bức xạ hay thường xuyên xông hơi, tắm bồn với nước quá nóng… đều có thể làm giảm số lượng cũng như chất lượng tinh trùng.
  • Bên cạnh đó, môi trường ngày càng ô nhiễm, nhiều hóa chất công nghiệp như thuốc trừ sâu, diệt cỏ, phân bón hóa học, dung môi hữu cơ, kim loại nặng, sơn chì… cũng có thể làm ảnh hưởng tới số lượng và chất lượng tinh trùng.

Do thói quen sinh hoạt.

  • Ở những người thừa cân béo phì hoặc có thói quen không lành mạnh như ít vận động, dùng nhiều đồ ăn nhanh, sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, cafe và các chất kích thích khác… sẽ làm giảm chất lượng tinh trùng.
  • Xem thêm các bài viết khác tại đây!

Những đối tượng nào có nguy cơ bị vô sinh nam?

Một số yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ vô sinh ở nam giới:

  • Tuổi: Nam giới trên 40 tuổi có khả năng sinh sản kém so với người trẻ hơn. Tuổi càng cao thì số lượng cũng như chất lượng tinh trùng càng suy giảm.
  • Thừa cân béo phì: Theo nghiên cứu, nồng độ testosterone ở nam giới có liên quan tới thể trạng, sự tích mỡ của cơ thể. Ở những người đàn ông thừa cân béo phì thì nồng độ hormone testosterone cũng bị giảm so với bình thường, ảnh hưởng tới khả năng thụ thai.
  • Sử dụng thuốc lá: Theo các chuyên gia, hút thuốc là nhiều làm tăng nguy cơ rối loạn cương dương, suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng.
  • Sử dụng rượu: Việc sử dụng rượu nồng độ cao với số lượng lớn trong thời gian dài cũng gây ảnh hưởng tới số lượng và sự di chuyển của tinh trùng.
  • Rèn luyện thể lực: Lười vận động, không chịu hoạt động thể thao làm gia tăng nguy cơ béo phì, từ đó làm tăng nguy cơ vô sinh.

Một số dấu hiệu thường gặp của vô sinh nam

Dấu hiệu gợi ý rõ nhất của vô sinh nam là người nam giới không có khả năng giúp người phụ nữ mang thai, tuy nhiên điều này chưa loại trừ nguyên nhân không có thai là do người phụ nữ. Nhiều trường hợp không có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng cụ thể rõ ràng nào. Phần lớn cần phải làm xét nghiệm tinh dịch đồ và các phương pháp chẩn đoán chuyên sâu khác mới có thể chẩn đoán được bệnh cũng như nguyên nhân gây bệnh. Nếu gặp phải các vấn đề tiềm ẩn như rối loạn di truyền, mất cân bằng nội tiết, giãn tĩnh mạch thừng tinh, tắc nghẽn ống dẫn tinh… nam giới cần nhanh chóng đến các cơ sở uy tín để khám và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, một số dấu hiệu khác bạn có thể để ý và dễ dàng phát hiện ra. Đó đều là những yếu tố nguy cơ gây vô sinh như sau:

  • Rối loạn chức năng tình dục như giảm ham muốn, rối loạn cương dương, khó xuất tinh, xuất tinh ngược dòng…
  • Sưng đau tại tinh hoàn.
  • Có các u cục bất thường tại tinh hoàn.
  • Vú tăng trưởng một cách bất thường (chứng vú to ở nam giới).
  • Lông giảm ở một số vùng của cơ thể như ở mặt, cơ quan sinh dục.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp tái diễn.

Các phương pháp chẩn đoán vô sinh nam hiện nay

Trước khi đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, bác sĩ sẽ cho bạn làm các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh cũng như tìm nguyên nhân gây bệnh vô sinh. Các xét nghiệm thường làm:

  • Xét nghiệm tinh dịch đồ.

Xét nghiệm phân tích tinh dịch đồ là một xét nghiệm thường quy trong chẩn đoán vô sinh nam. Quá đó, bác sĩ sẽ đánh giá được số lượng cũng như chất lượng tinh trùng, tỷ lệ dị dạng, khả năng di chuyển… Xét nghiệm này thường được tiến hành ít nhất 2 lần  nếu lần 1 có bất thường bởi lẽ tĩnh chất tinh dịch đồ rất dễ thay đổi. Tinh dịch đồ sẽ được lấy bằng cách đưa người bệnh vào phòng riêng, tự kích thích để lấy tinh dịch cho vào ống nghiệm. 

Tuy nhiên, ngay cả khi kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ cho kết quả số lượng tinh trùng thấp hay thậm chí là không có tinh trùng cũng không thể kết luận người bệnh vô sinh vĩnh viễn. Điều này chỉ cho thấy người bệnh đang gặp một số vấn đề về sự sản xuất tinh trùng. Chính vì vậy, để đi đến kết luận cuối cùng, người bệnh cần làm thêm các xét nghiệm khác.

Xét nghiệm tinh dịch đồ chẩn đoán vô sinh nam
Xét nghiệm tinh dịch đồ chẩn đoán vô sinh nam
  • Chẩn đoán hình ảnh.

Ngoài xét nghiệm tinh dịch đồ, bác sĩ sẽ cho người bệnh làm thêm siêu âm qua trực tràng. Ở phương pháp này, bác sĩ siêu âm sẽ đưa đầu dò vào trực tràng để khảo sát hình ảnh tinh hoàn, ống dẫn tinh của người bệnh. Từ hình ảnh siêu âm, bác sĩ sẽ kiểm tra được cấu trúc của túi tinh, ống phóng tinh có bị tắc nghẽn hay kém phát triển hay không.

Chụp ống dẫn tinh: Mục đích của kỹ thuật này là tìm chỗ tắc trên đường dẫn tinh. Bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ, rạch da bìu, bộc lộ ống dẫn tinh, mở ống dẫn tinh, bơm thuốc cản quang vào ống dẫn tinh và chụp X – quang. Ống dẫn tinh lưu thông tốt thấy thuốc cản quang làm hiện rõ ống dẫn tinh, túi tinh, bóng tinh và bóng bàng quang trên phim chụp X – quang. Nếu thấy thuốc cản quang dừng lại trên đường đi thì chứng tỏ có bít tắc.

Ngoài ra bác sĩ có thể chỉ định thêm chụp cộng hưởng từ trường hợp người bệnh nghi ngờ có khối u tuyến yên.

  • Sinh thiết tinh hoàn.

Nếu kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ cho thấy lượng tinh trùng rất ít hay không có, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh làm sinh thiết tinh hoàn. Có thể dùng kim sinh thiết hoặc mổ sinh thiết. Phương pháp sinh thiết này nhằm 2 mục đích: Vừa tìm ra nguyên nhân gây vô sinh nam, vừa có thể lưu trữ tinh trùng dùng cho biện pháp hỗ trợ sinh sản.

  • Xét nghiệm nội tiết tố.

Testosterone là một chất chỉ điểm quan trọng về chức năng của tinh hoàn. 

Ngoài ra có thể định lượng inhibin B, là một chất chỉ điểm nội tiết quan trọng nhất của quá trình sinh tinh. Khi có rối loạn quá trình sinh tinh thì nồng độ inhibin thấp còn FSH tăng cao.

Test hCG phát hiện khả năng hoạt động về nội tiết của tinh hoàn do có cấu trúc giống LH.

Test kích thích GnRH kiểm tra khả năng sản xuất nội tiết tố hướng sinh dục của tuyến yên.

  • Các chẩn đoán nội tiết chuyên sâu.

Xét nghiệm vừa giúp tìm nguyên nhân vừa giúp tìm các bệnh lý liên quan khác:

Bệnh vú to: Ngoài xét nghiệm định lượng estradiol, làm thêm xét nghiệm alpha – fetoprotein, hCG, LDH – cholesterol.

Các rối loạn tổng hợp testosterone: Định lượng các chất chuyển hóa trung gian.

Kháng androgen: Phân tích sinh học các thụ thể của androgen.

  • Xét nghiệm về di truyền học.

Vô sinh nam có điều trị được không?

Theo các bác sĩ chuyên khoa về lĩnh vực nam khoa, việc điều trị vô sinh nam phần lớn phụ thuộc vào nguyên nhân gây vô sinh. Hiện nay, có 3 phương pháp thường áp dụng riêng lẻ hay phối hợp để điều trị vô sinh nam như sau:

Điều trị nội khoa

Trong nhiều trường hợp, sự suy giảm khả năng sinh sản ở nam hoàn toàn có thể điều trị nội khoa mà không cần can thiệp phẫu thuật:

  • Xuất tinh ngược dòng thường do các nguyên nhân như do phẫu thuật, do chấn thương cột sống, bệnh tiểu đường, bệnh bẩm sinh, vấn đề sức khỏe tâm thần… sẽ được điều trị bằng phương pháp nội khoa trước. Nếu quá trình dùng thuốc thất bại, một số phương pháp khác sẽ được áp dụng như phóng điện qua đầu dò trực tràng, lấy tinh trùng từ bàng quang, chọc hút tinh trùng trong các trường hợp sử dụng cho các biện pháp hỗ trợ sinh sản.
  • Trường hợp vô sinh liên quan tới nhiễm trùng sinh dục, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh dùng kháng sinh khi có tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, chỉ định này sẽ cân nhắc thật kỹ vì một số loại thuốc như thuốc chống viêm, thuốc kháng sinh… có thể gây suy giảm chức năng sản xuất tinh trùng.
  • Người bệnh bị rối loạn cương dương do tuyến yên hoạt động quá mức làm tăng prolactin máu có thể điều trị nội khoa kết hợp ngoại khoa.
  • Người bệnh suy tuyến sinh dục, mắc hội chứng Kallmann…được chỉ định dùng thuốc trước khi sử dụng các biện pháp khác.

Điều trị ngoại khoa

Tùy theo nguyên nhân gây vô sinh mà áp dụng các biện pháp điều trị ngoại khoa khác nhau.

  • Trường hợp giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể tiến hành thắt tĩnh mạch thừng tinh vi phẫu.
  • Trường hợp tắc nghẽn ống dẫn tinh có thể tiến hành vi phẫu nối ống dẫn tinh với mào tinh để giải quyết tình trạng tắc nghẽn.
  • Trường hợp tắc ống phóng tính có thể tiến hành phẫu thuật nội soi điều trị.

Điều trị cho các trường hợp không xác định được nguyên nhân hay điều trị các phương pháp khác không hiệu quả.

Nhiều trường hợp phức tạp không thể xác định được nguyên nhân gây vô sinh, các bác sĩ sẽ điều trị tùy theo tình trạng người bệnh bằng nhiều phương pháp khác nhau. 

  • Có thể là điều chỉnh các bất thường về nội tiết tố, đưa chúng trở lại trạng thái cân bằng.
  • Nếu các phương pháp đều không hiệu quả có thể chuyển sang các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản giúp người phụ nữ mang thai. Các biện pháp hỗ trợ sinh sản có thể áp dụng là thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), thụ tinh trong tử cung (IUI), tiêm tinh trùng vào tế bào chất (ICSI).

Các phương pháp được sử dụng để lấy tinh trùng phục vụ cho các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là phẫu thuật lấy tinh trùng qua tinh hoàn, phẫu thuật lấy tinh trùng bằng vi phẫu (MESA), chọc hút tinh trùng từ mào tinh (PESA)…

Biện pháp phòng vô sinh cho nam giới

Trên thực tế, không có phương pháp nào có thể phòng ngừa vô sinh một cách tuyệt đối. Tuy nhiên, nam giới vẫn có khả năng làm giảm nguy cơ mắc vô sinh nếu hạn chế các yếu tố nguy cơ sau:

  • Không hút thuốc lá.
  • Hạn chế rượu, bia.
  • Không sử dụng ma túy cũng như các chất kích thích khác.
  • Chế độ ăn uống khoa học, tăng cường rau củ quả, giảm các thực phẩm ăn nhanh, nhiều dầu mỡ.
  • Chế độ luyện tập khoa học duy trì vóc dáng cân đối và cân nặng hợp lý.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh thức khuya, stress hay căng thẳng quá mức.

Trên đây là những thông tin cần thiết về bệnh vô sinh ở nam giới mà bạn nên biết. Nếu như bạn đang gặp phải vấn đề này, hãy đến các cơ sở ý tế uy tín để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Chúc bạn nhiều sức khỏe và đừng quên theo dõi các bài viết sức khỏe tiếp theo của Bangkok Hospital nhé.

 

Tác Giả ThS.Bs Hoàng Đình Trường

Tôi là ThS.Bs Hoàng Đình Đường. Tôi hiện:
- Tốt nghiệp Đại học Y thành phố Hà Nội
- Tham gia tu nghiệp tại Thái Lan và Pháp
- Chuyên gia hút mỡ tạo hình bụng hàng đầu

Bác sĩ thẩm mỹ cũng tương tự như họa sĩ vậy, chúng tôi tạo nên các bức tranh nghệ thuật đẹp đẽ, nhưng những bức tranh này không dùng cọ hoặc vẽ trên giấy. Mà những tác phẩm của chúng tôi được điêu khắc lên vóc dáng hay chính khuôn mặt của mỗi con người.

Chủ đề:

NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ TỪ BÁC SĨ

    đặt lịch bangkok hospital