Ngày nay, ung thư cổ tử cung đã trở thành một trong những bệnh ung thư chiếm tỷ lệ cao ở phụ nữ. Bệnh thường tiến triển chậm và không có triệu chứng rõ ràng khiến phần lớn chị em phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, gây khó khăn cho việc điều trị, thậm chí gây tử vong sớm. Chính vì vậy, làm thế nào để nhận biết sớm ung thư cổ tử cung là câu hỏi mà rất nhiều chị em quan tâm. Nếu như bạn cũng đang quan tâm tới vấn đề sức khỏe này, hãy tìm hiểu về ung thư cổ tử cung qua bài viết sau đây của Bangkok Hospital nhé.
Ung thư cổ tử cung là gì?
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính biểu hiện bằng khối u ác tính ở cổ tử cung, có thể xuất phát từ các tế bào biểu mô vảy, biểu mô tuyến hoặc các tế bào biểu mô đệm. Tuy vậy, hầu hết ung thư cổ tử cung là ung thư biểu mô mà trong đó chủ yếu là ung thư biểu mô vảy.
Theo thống kê, ung thư cổ tử cung đứng thứ 3 trong số các nguyên nhân gây ung thư ở phụ nữ, sau ung thư vú và ung thư trực tràng.
Kết quả điều trị ung thư phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như thời điểm chẩn đoán sớm hay muộn, loại tế bào ung thư, trong đó việc phát hiện bệnh sớm là yếu tố rất quan trọng, nếu ở giai đoạn muộn, kết quả điều trị rất thấp.
Đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung
- Nhiễm virus HPV (Human Papilloma virus), Herpes virus. Trong đó:
Type có nguy cơ cao gây bệnh: 16,18, 45, 56.
Type có nguy cơ gây bệnh trung bình: 31, 33, 35, 31, 52.
Type có nguy cơ gây bệnh thấp: 6, 11, 40, 42, 43, 44.
- Tuổi: Ung thư cổ tử cung hay gặp trong độ tuổi 40 – 70.
- Hút thuốc lá: Theo nghiên cứu, trong thuốc lá có tới 40 chất gây ung thư. Do đó, ở người có thói quen hút thuốc lá nhiều thì nguy cơ ung thư cổ tử cung càng cao.
- Sinh đẻ nhiều: Phụ nữ sinh đẻ càng nhiều (e con trở lên) thì nguy cơ ung thư cổ tử cung càng cao.
- Quan hệ tình dục sớm: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, ung thư cổ tử cung có liên quan tới vấn đề quan hệ tình dục sớm, vì điều này đồng nghĩa với việc ở người phụ nữ đó có nguy cơ tiếp xúc với nguyên nhân gây bệnh cao hơn.
- Có nhiều bạn tình: Quan hệ tình dục không an toàn, không chung thủy 1 vợ 1 chồng.
- Vệ sinh cá nhân kém: Đây là một nguyên nhân phổ biến gây viêm nhiễm sinh dục, đồng thời có thể dẫn tới các bệnh lý nguy hiểm hơn như ung thư cổ tử cung.
- Suy giảm miễn dịch: Tất cả các nguyên nhân gây suy giảm miễn dịch ở người phụ nữ như bị HIV, dùng corticoid kéo dài, hóa trị liệu…
- Tiền sử mắc bệnh: Tiền sử viêm nhiễm sinh dục nhiều lần.
- Di truyền: Có thể từ mẹ sang con.
Xem thêm các bài viết tương tự tại đây!
Dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung thường tiến triển chậm nhưng triệu chứng lại không điển hình, dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý phụ khoa khác. Nếu như phát hiện bệnh sớm, khả năng điều trị khỏi hoàn toàn là rất cao. Tuy nhiên, do ung thư cổ tử cung không có triệu chứng rõ ràng, do tâm lý chủ quan, chị em dễ dàng bỏ qua và phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị trở nên hết sức phức tạp. Chính vì vậy, việc kiểm tra sức khỏe phụ khoa định kỳ là hết sức cần thiết đối với chị em.
Câu hỏi đặt ra là làm sao nhận biết được ung thư cổ tử cung sớm? Chị em hãy lắng nghe cơ thể mình để phát hiện một trong những bất thường sau đây, kết hợp với việc khám phụ khoa định kỳ để phòng và phát hiện bệnh sớm.
- Chảy máu âm đạo bất thường:
Đây là một trong những biểu hiện đặc trưng nhất của bệnh trong giai đoạn đầu, do sự biến đổi cấu trúc niêm mạc cổ tử cung hay sự phát triển của khối u với kích thước lớn xâm lấn mạch máu và gây chảy máu.
Hiện tượng chảy máu này xảy ra bất thường không theo quy luật, có thể xảy ra giữa chu kỳ kinh nguyệt, sau khi quan hệ, sau khi đã mãn kinh, sau khi thụt rửa âm đạo hay sau khi khám phụ khoa.
Mức độ chảy máu thay đổi, thường là máu đỏ tươi, số lượng ít hoặc nhiều, tự cầm máu, tần suất chảy máu tăng dần.
- Khí hư bất thường:
Khí hư số lượng ít hoặc nhiều, có thể loãng hay nhầy, màu trắng đục, vàng hoặc xanh thường lẫn máu, mùi ngày càng khó chịu. Đây có thể là triệu chứng báo hiệu ung thư giai đoạn đầu.
- Đau sau quan hệ:
Thực tế có rất nhiều nguyên nhân gây đau sau quan hệ. Việc này có thể chỉ là dấu hiệu của một bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa đơn giản. Tuy nhiên, để an toàn tránh bỏ sót bệnh lý nguy hiểm, bạn nên thăm khám sớm để chẩn đoán chính xác và có phác đồ điều trị phù hợp.
- Rối loạn kinh nguyệt:
Ung thư cổ tử cung có thể làm mất cân bằng nội tiết tố nữ trong cơ thể, ảnh hưởng tới quá trình phát triển của niêm mạc tử cung, quá trình rụng trứng, gây nên hiện tượng rối loạn kinh nguyệt như rong kinh, cường kinh, màu sắc kinh bất thường.
- Đau lưng, đau hông:
Nếu bạn hay bị đau vùng thắt lưng, đặc biệt vùng lưng dưới và vùng chậu, thì có thể đây chính là biểu hiện của ung thư cổ tử cung.
- Mệt mỏi, gầy sút cân:
Hầu hết bất cứ loại ung thư nào cũng gây nên tình trạng mệt mỏi, chán ăn, gầy sút cân. Nguyên nhân có thể do khối u chèn ép hay di căn vào dạ dày, khối u gây nên tình trạng thiếu máu, suy nhược cơ thể… Nên nếu bạn xuất hiện mệt mỏi nhiều, gầy sút cân không rõ nguyên nhân thì hãy đi khám ngay để tìm hiểu nguyên nhân nhé, rất có thể đây là biểu hiện của ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn.
- Tiểu khó, tiểu không kiểm soát:
Các dấu hiệu tại đường tiết niệu như tiểu buốt, tiểu rắt, châm chích khi đi tiểu rất có thể là biểu hiện của ung thư cổ tử cung. Nếu số lần đi tiểu của bạn tăng, tiểu không tự chủ, màu sắc nước tiểu bất thường, nước tiểu có màu đỏ hay có mùi bất thường, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để khám và chẩn đoán chính xác bệnh.
Tất cả những dấu hiệu trên chỉ là gợi ý nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Nếu bạn có một trong số các dấu hiệu trên thì cũng đừng quá lo lắng, hãy bình tĩnh và đến ngay cơ sở y tế gần nhà để được thăm khám, chẩn đoán và có hướng điều trị thích hợp.
Vậy làm gì để tầm soát ung thư cổ tử cung?
Ung thư cổ tử cung nguy hiểm vì gây tử vong cao ở giai đoạn muộn, khi mà khối u đã xâm lấn sang các cơ quan lân cận, song tiến triển của bệnh lại chậm, nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực bệnh có thể khỏi. Chính vì vậy, dự phòng ung thư cổ tử cung có vai trò rất quan trọng trong việc làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh. Một số biện pháp phòng bệnh mà chị em cần quan tâm:
- Sinh đẻ có kế hoạch.
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đúng kỹ thuật.
- Khám phụ khoa định kỳ, 6-12 tháng/ lần để thực hiện các xét nghiệm sàng lọc hoặc đến các cơ sở chuyên khoa khám ngay khi có dấu hiệu bất thường như chảy máu bất thường, đau sau quan hệ, khí hư bất thường…
- Điều trị sớm và triệt để các tổn thương lành tính cổ tử cung.
- Chủ động tiêm phòng HPV.
Trên đây là những thông tin về bệnh ung thư cổ tử cung mà Bangkok Hospital muốn đem đến cho bạn. Hy vọng bài viết giải đáp được những thắc mắc của bạn. Nếu bạn đang quan tâm hay còn bất kỳ thắc mắc nào về ung thư cổ tử cung, hãy liên hệ với Fanpage của Bangkok Hospital để được các bác sĩ chuyên khoa giải đáp thắc mắc và tư vấn cụ thể giúp bạn nhé. Chúc bạn nhiều sức khỏe!