U xơ tử cung có nguy hiểm hay không?

U xơ tử cung là một trong những bệnh lý phụ khoa thường gặp ở  chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Có rất nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh bệnh u xơ tử cung như nguyên nhân gây bệnh, bệnh có biểu hiện như thế nào hay u xơ tử cung có nguy cơ cao tiến triển thành ung thư hay không? Nếu như bạn đang quan tâm tới vấn đề này, hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây của Bangkok Hospital nhé.

Thế nào là u xơ tử cung?

Theo y học, u xơ tử cung là những khối u lành tính có nguồn gốc từ lớp cơ trơn tử cung, cấu tạo từ tổ chức liên kết và cơ trơn tử cung. Bệnh thường gặp ở phụ nữ tuổi sinh đẻ, tuổi thường gặp 35-50, với kích thước thay đổi từ nhỏ cho tới rất to nhưng thường có kích thước dưới 15cm. 

Khoảng 70% u xơ tử cung gặp ở phụ nữ độ tuổi 45-50. Nhiều trường hợp khối u có kích thước nhỏ không có triệu chứng rõ ràng, khi triệu chứng đã rõ thì đa số khối u đã có kích thước lớn đến rất lớn. 

Ngày nay, tỷ lệ mắc u xơ tử cung ngày càng tăng cao ở phụ nữ Việt Nam nói riêng và phụ nữ toàn thế giới nói chung. Ở Mỹ, theo nghiên cứu của Ralph Benson thì có tới 20% số phụ nữ lớn hơn 35 tuổi có u xơ tử cung. Ở Việt Nam, theo Dương Thị Cương thì u xơ tử cung chiếm 18-20% trong số các bệnh phụ khoa, thường gặp phụ nữ 35-50 tuổi, không sinh đẻ hoặc sinh đẻ ít.

hình ảnh u xơ tử cung
Thế nào là u xơ tử cung

Trong điều trị, các khối u xơ tử cung được phân loại để lựa chọn phương pháp điều trị cho phù hợp. Ngoài kích thước và số lượng khối u, dựa vào vị trí của khối u người ta chia u xơ tử cung thành 3 loại:

  • U xơ tử cung dưới niêm mạc: Là những u xơ có nguồn gốc từ lớp cơ nhưng phát triển dần vào lòng tử cung, đội lớp niêm mạc lên. U xơ tử cung dưới niêm mạc đôi khi có cuống, có thể chui qua ống tử cung vào âm đạo gây viêm nhiễm và chảy máu.
  • U xơ cơ tử cung: Là u xơ tử cung nằm trong cơ tử cung (hay còn gọi là u kẽ), phát sinh từ lớp cơ tử cung, thường có nhiều nhân, làm tử cung to toàn bộ, thường gây rối loạn kinh nguyệt rõ ràng, thậm chí là gây sảy thai, đẻ non.
  • U xơ tử cung dưới thanh mạc: Là u xơ phát triển từ cơ tử cung, phát triển ra phía thanh mạc tử cung, thường có nhân to, có thể tạo thành một khối u có cuống dễ bị xoắn lại và hoại tử. Đây cũng là loại u xơ tử cung thường gặp nhất.
  • Ngoài các trường hợp hay gặp ở trên, u xơ tử cung còn có thể hình thành ở các vị trí khác như cổ tử cung, dây chằng rộng hay vòi tử cung.

Nguyên nhân gây u xơ tử cung

Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa xác định rõ ràng nguyên nhân gây u xơ tử cung. Phần lớn, u xơ tử cung thường xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và thường không gặp ở những phụ nữ trẻ chưa có kinh nguyệt lần đầu. Một vài giả thuyết được các chuyên gia đưa ra: 

  • Nội tiết tố: Một số tác giả cho rằng u xơ tử cung có liên quan mật thiết tới nội tiết. Progesterone và estrogen là những hormone sản xuất theo chu kỳ hàng tháng làm cho niêm mạc tử cung dày lên mỗi tháng trong suốt thời kỳ hoạt động của chu kỳ kinh nguyệt. Qua nghiên cứu cho thấy chúng ảnh hưởng đến sự phát triển của u xơ tử cung. Chính vì vậy, khi tốc độ sản xuất 2 hormone này chậm lại trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh, khối u cơ thường teo nhỏ lại.
  • Do di truyền: Các nhà nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng có sự khác biệt về gen giữa các tế bào cơ trơn tử cung bình thường với u xơ. Ở người phụ nữ có mẹ hoặc chị em gái mắc u xơ tử cung thì khả năng mắc u xơ tử cung ở họ cao hơn so với những người phụ nữ gia đình không có ai mắc u xơ tử cung. 
  • Các yếu tố khác: Ngoài 2 nguyên nhân chính là nội tiết và di truyền, một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc u xơ tử cung như: Có kinh sớm, lạm dụng thuốc tránh thai, ăn nhiều thịt thiếu rau xanh củ quả tươi, lạm dụng rượu bia.

Như vậy, đối tượng nào sẽ dễ mắc u xơ tử cung hơn? Điều đó phụ thuộc vào:

  • Tiền sử gia đình: Ở người phụ nữ có thành viên trong gia đình mắc u xơ tử cung làm tăng khả năng mắc bệnh. Nếu người phụ nữ có mẹ mắc u xơ tử cung thì nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 lần người bình thường.
  • Tuổi: U xơ tử cung thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 30-45 tuổi. Sau khi mãn kinh, tỷ lệ mắc u xơ tử cung sẽ thấp hơn hoặc nếu đang có khối u thì sau mãn kinh khối u xơ sẽ teo nhỏ lại.
  • Chủng tộc: Theo nghiên cứu, phụ nữ Châu Phi có khả năng mắc u xơ tử cung cao hơn người Châu Âu, Châu Á.
  • Tình trạng béo phì: Ở người phụ nữ thừa cân béo phì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, khả năng mắc bệnh có thể tăng gấp 3 lần so với những phụ nữ có chỉ số cơ thể trong giới hạn bình thường. 

Dấu hiệu nhận biết bệnh u xơ tử cung

U xơ tử cung thường ít có triệu chứng, đặc biệt là những khối u có kích thước nhỏ và thường được phát hiện tình cờ. Các triệu chứng biểu hiện sẽ phụ thuộc vào vị trí, kích thước của khối u.

  • Toàn thân có thể gặp tình trạng thiếu máu, mức độ thiếu máu phụ thuộc vào tình trạng mất máu ít hay nhiều.
  • Chảy máu từ buồng tử cung: Đây là triệu chứng chính gặp trong khoảng 60% trường hợp, thể hiện dưới dạng cường kinh, dần dần gây rối loạn kinh nguyệt như rong kinh kéo dài, ra nhiều máu. Kinh kéo dài từ 7-10 ngày, thậm chí dài hơn.
  • Khí hư ra nhiều, loãng như nước, có thể kèm theo màu sắc bất thường như xanh, vàng nếu kèm theo tình trạng viêm nhiễm.
  • Đau bụng vùng hạ vị hoặc hố chậu, đau có thể tăng lên trước hoặc trong khi có kinh. Đau hoặc tức bụng kéo dài có thể do khối u chèn ép vào các tạng lân cận hoặc do viêm khung chậu. Triệu chứng này chiếm dưới 40% các trường hợp.
  • Khi nhìn có thể thấy khối u gồ lên ở vùng hạ vị nếu khối u có kích thước lớn.
  • Sờ nắn bụng thấy khối u vùng hạ vị có mật độ chắc, di động liên quan tới tử cung.
  • Khám bằng mỏ vịt: Nếu u xơ cổ tử cung có cuống có thể thấy khối u xơ ở lỗ ngoài cổ tử cung.
  • Khám âm đạo kết hợp với nắn bụng có thể thấy toàn bộ tử cung to, chắc, nhẵn, ấn không đau. Nếu u xơ tử cung dưới thanh mạc có thể sờ thấy một khối cạnh tử cung giống như một khối u phần phụ. Lúc này để phân biệt, bác sĩ sẽ lay cổ tử cung, nếu khối u di động theo sự di động của tử cung thì chứng tỏ đây là một khối u xơ tử cung.
  • Khám trực tràng nhằm phân biệt khối u xơ tử cung phát triển ra phía sau với khối u trực tràng.
  • Siêu âm: Xác định vị trí, số lượng, kích thước của khối u. Chẩn đoán bằng siêu âm có thể khó khăn trong trường hợp u nang buồng trứng dính với tử cung hoặc trường hợp tử cung bị dị dạng.
  • Soi buồng tử cung để chẩn đoán và điều trị u xơ tử cung dưới niêm mạc. 
  • Xét nghiệm tế bào âm đạo giúp phát hiện các tổn thương kèm theo ở cổ tử cung.
  • CT-scan được chỉ định trong trường hợp cần phân biệt với ung thư tiểu khung.

U xơ tử cung dễ chẩn đoán nhầm với bệnh lý nào?

Triệu chứng của u xơ tử cung nghèo nàn và dễ không đặc hiệu, nếu không được thăm khám tỉ mỉ sẽ dễ dàng chẩn đoán nhầm với các bệnh lý sau:

  • Có thai: Phải dựa vào xét nghiệm Beta hCG và siêu âm để chẩn đoán phân biệt với có thai thường, dọa sảy thai, thai chết lưu…
  • Khối u buồng trứng: Thông thường các khối u này biệt lập với tử cung, di động của khối u không làm di động cổ tử cung. Chẩn đoán phân biệt giữa khối u buồng trứng với u xơ tử cung dưới thanh mạc đôi khi khó khăn.
  • Ung thư niêm mạc tử cung: Tất cả các trường hợp chảy máu âm đạo bất thường ở thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh cần được loại trừ với ung thư niêm mạc tử cung. Các xét nghiệm cần bổ sung như soi buồng tử cung, nạo sinh thiết giúp chẩn đoán xác định.

U xơ tử cung có nguy hiểm hay không?

U xơ tử cung có bản chất là một tổn thương lành tính ít nguy hiểm tới tính mạng của chị em nếu như phát hiện kịp thời và xử lý đúng phương pháp. Tuy nhiên, nếu bệnh không được điều trị sẽ tiến triển và dẫn tới các biến chứng nguy hiểm hơn.

Về tiến triển của u xơ tử cung:

`U xơ tử cung thường tiến triển chậm với triệu chứng nghèo nàn, tuy vậy sau một thời gian khối u có thể tăng kích thước gây nên các triệu chứng và biến chứng. Tuy nhiên, chỉ khoảng 0,05% trường hợp u xơ tử cung tiến triển thành ung thư. Nếu khối u có kích thước nhỏ thường không gây triệu chứng hoặc biến chứng gì. Tới thời kỳ mãn kinh, u xơ tử cung có thể ngừng phát triển. 

Về biến chứng:

Trên một phụ nữ không mang thai và một phụ nữ mang thai, u xơ tử cung lại gây các biến chứng khác nhau:

Biến chứng do u xơ tử cung ở phụ nữ không mang thai:

  • Chảy máu: Các triệu chứng rong kinh, rong huyết thường là biểu hiện chính, hay gặp trong u xơ tử cung dưới niêm mạc. Trường hợp chảy máu kéo dài dẫn đến tình trạng thiếu máu ở các mức độ khác nhau.
  • Chèn ép: Tùy vào vị trí của khối u xơ gây chèn ép các cơ quan lân cận. U xơ tử cung trong dây chằng rộng chèn ép vào niệu quản gây ứ đọng đài bể thận từ đó gây rối loạn tiểu tiện như tiểu khó, tiểu buốt, tiểu rắt… U xơ tử cung ở mặt sau tử cung chèn ép vào trực tràng gây mót rặn, táo bón.
  • Xoắn u: Dấu hiệu này gặp ở u xơ tử cung dưới thanh mạc có cuống. Người bệnh xuất hiện đau dữ dội ở vùng hố chậu, kèm theo dấu hiệu kích thích phúc mạc như nôn, bí trung đại tiện. Toàn thân có thể suy sụp nhanh chóng, mạch nhanh, bụng chướng, nhiễm trùng nhiễm độc nặng nếu không được xử trí kịp thời. 
  • Thoái hóa u: Một số trường hợp khối u to kèm theo biến chứng tắc mạch có thể gây biến chứng thoái hóa hoại tử khối u.
  • Ung thư hóa: Như đã nói ở trên, tỷ lệ này khá thấp, tuy nhiên chị em không nên chủ quan, thay vào đó có kế hoạch khám phụ khoa định kỳ theo dõi sự tiến triển của khối u và có hướng xử trí kịp thời, thích hợp.

Biến chứng do u xơ tử cung ở phụ nữ mang thai:

  • Chậm có thai, vô sinh hiếm muộn.
  • Khi đã có thai, u xơ tử cung có thể gây sảy thai, đẻ non, hoặc thai chết lưu.
  • Gây đẻ khó: Tùy theo vị trí, kích thước và số lượng của khối u, u xơ tử cung có thể gây ngôi thai bất thường, ngôi cúi không tốt hay trở thành khối u tiền đạo khi chuyển dạ.
  • Một vài trường hợp, vị trí của khối u xơ tử cung có thể gây trở ngại cho quá trình mổ lấy thai do ảnh hưởng tới đường rạch cơ tử cung.
  • Trong thời kỳ hậu sản, u xơ tử cung có thể gây bế sản dịch, nhiễm khuẩn hậu sản như viêm niêm mạc tử cung, viêm cơ tử cung hay viêm phúc mạc…
  • Sau đẻ, u xơ tử cung cũng có thể gây nhiều biến chứng khác như: Khối u bị kẹt ở túi cùng Douglas chèn ép vào bàng quang, trực tràng gây tiểu khó, tiểu rắt, táo bón. Khối u dưới thanh mạc bị dính vào phúc mạc. Nhiễm khuẩn có thể xảy ra ngay tại khối u, niêm mạc tử cung và vòi tử cung khiến bệnh nhân xuất hiện những cơn đau bụng, sốt, bạch cầu tăng, toàn thân suy sụp.

Điều trị u xơ tử cung hiệu quả

Điều trị u xơ tử cung ở mỗi người là khác nhau tùy thuộc vào số lượng, kích thước, vị trí cũng như triệu chứng và biến chứng mà khối u gây ra. Trường hợp bạn không có bất cứ triệu chứng nào do u xơ tử cung gây ra, bạn có thể không cần điều trị mà chỉ cần theo dõi sự phát triển của khối u định kỳ. Trường hợp tiền mãn kinh hay đã mãn kinh thường khối u sẽ teo nhỏ và không gây triệu chứng khó chịu nào, vì vậy bạn có thể không cần điều trị gì, tuy nhiên việc kiểm tra sức khỏe định kỳ là điều cần thiết.

Tốt nhất, với bất kỳ khối u xơ tử cung nào, dù kích thước nhỏ, dù không có triệu chứng bạn vẫn cần theo dõi chặt chẽ sự phát triển của khối u  định kỳ. Việc theo dõi định kỳ sẽ giúp bác sĩ đưa cho bạn một phác đồ điều trị nhất phù hợp với tình trạng khối u của bạn, bởi việc lập kế hoạch điều trị với mỗi người hoàn toàn khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Số lượng u xơ tử cung.
  • Kích thước khối u.
  • Vị trí của khối u ở thân, eo hay cổ tử cung, dưới niêm mạc, trong cơ tử cung hay dưới thanh mạc.
  • Những triệu chứng do u xơ tử cung gây ra, mức độ nghiêm trọng.
  • Mong muốn có con trong tương lai.
  • Mong muốn bảo tồn tử cung hay không.

Việc chỉ định phương pháp điều trị cũng tùy thuộc vào các tuyến mà bạn thăm khám.

Tuyến xã: Trường hợp phát hiện u xơ tử cung, nếu:

Khối u có kích thước nhỏ, không ảnh hưởng tới kinh nguyệt hay không gây các rối loạn khác, hẹn theo dõi khám định kỳ 6-12 tháng 1 lần.

Khối u xơ tử cung gây băng huyết khi đã loại trừ các nguyên nhân khác, tiến hành tiêm bắp oxytocin 5UI * 02 ống, chuyển tuyến trên.

Tuyến chuyên khoa:

  • Điều trị nội khoa: Được chỉ định với một số trường hợp khối u xơ có kích thước nhỏ nhằm hạn chế sự phát triển của khối u và hạn chế rong kinh rong huyết. 

Thuốc có thể sử dụng trong trường hợp này là Medroxyprogesterone acetate 10mg/ngày * 10 ngày từ ngày 16 của chu kỳ kinh nguyệt.

Hoặc Danasol 200mg/ngày * 10 ngày.

  • Điều trị ngoại khoa: 

Chỉ định:  

U xơ tử cung có biến chứng rong kinh rong huyết, điều trị nội khoa không có kết quả.

U xơ tử cung phối hợp với các tổn thương khác như loạn sản cổ tử cung, sa sinh dục, u nang buồng trứng…

U xơ tử cung to gây chèn ép vào các cơ quan lân cận như bàng quang, trực tràng gây bí tiểu, tiểu khó, tiểu rắt, táo bón.

U xơ tử cung gây biến dạng buồng tử cung.

U xơ tử cung dưới niêm mạc gây chảy máu nhiều, nhiễm khuẩn.

Phương pháp:

Bóc tách nhân xơ: Ưu điểm của phương pháp này là tử cung và chức năng sinh nở của người phụ nữ vẫn được bảo tồn.

Xoắn nhân xơ qua đường âm đạo: Phương pháp này áp dụng với những khối u dưới niêm mạc có cuống chui qua lỗ cổ tử cung vào âm đạo. Tuy phương pháp này thực hiện khá đơn giản nhưng lại dễ tái phát.

Cắt tử cung bán phần: Phương pháp này chỉ định cho các khối u kích thước lớn, u gây biến chứng, diện tích u nằm chủ yếu ở thân tử cung.

Cắt tử cung toàn phần: Phương pháp này chỉ định cho các khối u nằm ở eo tử cung, cổ tử cung, hay u xơ thân tử cung kèm theo tổn thương nghi ngờ u xơ cổ tử cung. 

Có thể cắt tử cung qua đường âm đạo, đường bụng tùy vào vị trí của khối u.

Cắt tử cung bằng phương pháp nội soi ngày nay được xem là phương pháp phổ biến và hiệu quả nhất, giúp điều trị triệt để u xơ tử cung.

Cách phòng ngừa u xơ tử cung

Nhìn chung, bạn không thể hoàn toàn ngăn ngừa u xơ tử cung. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể chủ động giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách:

  • Khám phụ khoa thường xuyên 6-12 tháng để chủ động tầm soát nguy cơ mắc các bệnh lý phụ khoa.
Khám phụ khoa thường xuyên 6-12 tháng
Khám phụ khoa định kỳ để chủ động phát hiện u xơ tử cung và các bệnh lý khác
  • Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý, tránh tình trạng thừa cân béo phì.
  • Áp dụng chế độ ăn uống khoa học gồm nhiều rau xanh, hoa quả tươi giàu vitamin.
  • Tập luyện thể thao, rèn luyện sức khỏe làm nâng cao khả năng chống đỡ bệnh tật của cơ thể.

Xem thêm: Những điều cần biết về viêm sinh dục

Trên đây là những thông tin cần thiết mà Bangkok Hospital muốn đem đến cho bạn đọc.  Hy vọng bài viết mang lại cho bạn nhiều thông tin hữu ích. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về bệnh hay đang gặp phải vấn đề trên, hãy liên hệ với Fanpage của Bangkok Hospital để các chuyên gia tư vấn cụ thể giúp bạn nhé. Chúc bạn nhiều sức khỏe!

Tác Giả ThS.Bs Hoàng Đình Trường

Tôi là ThS.Bs Hoàng Đình Đường. Tôi hiện:
- Tốt nghiệp Đại học Y thành phố Hà Nội
- Tham gia tu nghiệp tại Thái Lan và Pháp
- Chuyên gia hút mỡ tạo hình bụng hàng đầu

Bác sĩ thẩm mỹ cũng tương tự như họa sĩ vậy, chúng tôi tạo nên các bức tranh nghệ thuật đẹp đẽ, nhưng những bức tranh này không dùng cọ hoặc vẽ trên giấy. Mà những tác phẩm của chúng tôi được điêu khắc lên vóc dáng hay chính khuôn mặt của mỗi con người.

NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ TỪ BÁC SĨ

    đặt lịch bangkok hospital