Những điều cần biết về thụ tinh ống nghiệm IVF

Thụ tinh ống nghiệm IVF được xem là một trong những phương pháp hỗ trợ sinh sản với tỷ lệ thành công cao nhất hiện nay. Phương pháp hỗ trợ sinh sản này đã đem lại niềm hạnh phúc trọn vẹn cho rất nhiều cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn bằng cách cho tinh trùng kết hợp với trứng ở trong ống nghiệm. Bạn có đang quan tâm tới phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)? Hãy cùng Bangkok Hospital tìm hiểu về phương pháp này qua bài viết dưới đây nhé!

Thế nào là thụ tinh ống nghiệm IVF?

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là phương pháp hỗ trợ sinh sản dành cho các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn bằng cách cho tinh trùng kết hợp với trứng ở bên ngoài cơ thể. Sau khi trứng và tinh tinh trùng kết hợp với nhau thành công, phôi thai được tạo thành sau đó sẽ được chuyển trở lại vào buồng tử cung của người vợ. Lúc này, phôi sẽ làm tổ và phát triển thành thai nhi tương tự như các trường hợp có thai tự nhiên khác.

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là một kỹ thuật đặc biệt, đòi hỏi công nghệ cao, giúp tinh trùng và trứng có thể kết hợp với nhau ở trong môi trường phòng thí nghiệm. Tinh trùng sau khi lấy sẽ được lọc rửa và cấy chung cùng trứng trong đĩa môi trường rồi để ủ trong tủ ấm với nhiệt độ thích hợp. Tinh trùng lúc này có thể đi vào trứng và quá trình thụ tinh sẽ xảy ra trong vài giờ đầu. Ở phương pháp này, tinh trùng và trứng sẽ gặp nhau và kết hợp với nhau một cách tự nhiên để hình thành phôi.  

Nhìn chung, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm và phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung đều là những phương pháp hỗ trợ sinh sản có vài nét tường đồng. Tuy nhiên, 2 phương pháp này cũng có nhiều điểm khác biệt. Đối với phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), quá trình thụ tinh vẫn hoàn toàn xảy ra ở bên trong buồng tử cung của người vợ; trong khi đối với thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), quá trình thụ tinh lại xảy ra bên ngoài cơ thể của người vợ. Chính vì vậy, phương pháp thụ tinh nhân tạo IVF yêu cầu kỹ thuật cao hơn, quá trình thực hiện gồm nhiều bước hơn, từ dùng thuốc kích buồng trứng, chọc hút trứng đến thụ tinh trong môi trường phòng thí nghiệm và chuyển phôi lại vào buồng tử cung của người vợ. Tuy kỹ thuật phức tạp hơn, chi phí đắt hơn, nhưng phương pháp thụ tinh nhân tạo IVF được đánh giá là phương pháp giải quyết được nhiều trường hợp vô sinh hiếm muộn hơn với tỷ lệ thành công cao hơn.

Những đối tượng nào có thể áp dụng phương pháp thụ tinh ống nghiệm IVF?

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) được đánh giá là phương pháp trị liệu hiệu quả cho các cặp vợ chồng có người vợ bị tắc nghẽn vòi tử cung. Ngoài ra, kỹ thuật này còn được sử dụng để điều trị cho các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn không thể có thai bằng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thông thường hay các cặp vợ chồng lớn tuổi, mắc các bệnh lý ảnh hưởng tới việc thụ thai như: Rối loạn phóng noãn, lạc nội mạc tử cung mức độ nặng, tinh trùng bất thường, các yếu tố bất thường hay vô sinh chưa rõ nguyên nhân…

Nhìn chung, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là phương pháp hỗ trợ sinh sản đem lại hiệu quả cao, những đối tượng sau có thể xem xét sử dụng phương pháp này:

  • Vô sinh do bất thường sự phóng noãn.
  • Vô sinh do tổn thương vòi tử cung, vòi tử cung bị tắc nghẽn cả 2 bên hay đã cắt bỏ vòi tử cung 2 bên.
  • Vô sinh do mắc các bệnh lý tại buồng tử cung như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung mức độ nặng.
  • Vô sinh do người vợ bị tổn thương vùng chậu nặng.
  • Vô sinh do bất thường trong tinh dịch người chồng: Tinh trùng ít, tinh trùng yếu, tinh trùng di động kém, xuất tinh ngược dòng hay không có tinh trùng trong tinh dịch.
  • Các trường hợp tinh trùng lưu trữ đông lạnh tại viện.
  • Cặp vợ chồng lớn tuổi làm cho số lượng và chất lượng trứng suy giảm.
  • Thất bại trong các phương pháp hỗ trợ sinh sản khác như bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI).
  • Các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn mà chưa rõ nguyên nhân, thất bại bởi các phương pháp thụ tinh nhân tạo khác trước đó.
  • Các cặp vợ chồng mắc các bệnh di truyền cần sàng lọc trước khi làm tổ để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cho con như: Hemophilia, thalassemia…

Các cặp vợ chồng cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện thụ tinh ống  IVF?

Trước khi tiến hành phương pháp thụ tinh nhân tạo IVF, các cặp vợ chồng cần lưu ý một vài điều:

  • Trước khi quyết định thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, các cặp vợ chồng sẽ được chỉ định làm một số xét nghiệm để đánh giá chức năng sinh sản  kiểm tra sức khỏe tổng quát.
  • Tiếp theo đó là khám tiền mê. Ở bước này, các bác sĩ sẽ khám để đánh giá xem sức khỏe của người vợ có đủ để thực hiện quá trình gây mê trong quy trình chọc hút trứng hay không.
  • Sau đó, nếu đủ điều kiện thực hiện, bác sĩ sẽ đặt lịch hẹn để người vợ quay lại khám vào ngày thứ 2 của chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo.
  • Trong thời gian này, các cặp vợ chồng cần chuẩn bị tốt các yếu tố về tâm lý, sức khỏe thể chất và tinh thần, tài chính vững vàng, sắp xếp công việc hợp lý… để chuẩn bị bước vào quy trình chính của thụ tinh trong ống nghiệm.
Trước khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, các cặp vợ chồng cần làm một số xét nghiệm đánh giá chức năng sinh sản, kiểm tra sức khỏe tổng quát.
Vợ chồng cần kiểm tra sức khỏe tổng quát trước khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm

Quy trình thụ tinh ống nghiệm IVF

Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) bao gồm các bước sau:

  • Thăm khám, đánh giá tình trạng sức khỏe và khả năng có thai của cả 2 vợ chồng.
  • Bác sĩ chỉ định làm thụ tinh trong ống nghiệm, thống nhất với cặp vợ chồng, làm và xin duyệt hồ sơ từ lãnh đạo viện.
  • Người vợ được chỉ định làm siêu âm, làm xét nghiệm vào ngày thứ 2 của chu kỳ kinh nguyệt và bắt đầu dùng thuốc kích rụng trứng.
  • Tiến hành tiêm thuốc kích rụng trứng từ 9 – 12 ngày. Bác sĩ sẽ tiến hành tiêm thuốc kích rụng trứng trước thời điểm chọc hút noãn từ 36 – 40 giờ.
  • Chọc hút noãn, tiến hành nuôi cấy phôi.
  • Chuyển phôi lại vào tử cung của người vợ vào ngày 3 – ngày 5.
  • Thử thai sau chuyển phôi 14 ngày.
  • Siêu âm sau chuyển phôi 28 ngày.

Cụ thể như sau:

Bước 1: Thăm khám sức khỏe và đánh giá sức khỏe sinh sản của 2 vợ chồng.

Người vợ sẽ được chỉ định làm một số xét nghiệm:

  • Xét nghiệm đánh giá nội tiết: Định lượng một số hormon như hormon hướng sinh dục (FSH, LH) hay hormon sinh dục (estrogen, progesterone…).
  • Xét nghiệm loại trừ các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục: Lấy máu để làm xét nghiệm kiểm tra xem có mắc các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai, viêm gan B, HIV; lấy dịch âm đạo cổ tử cung để làm xét nghiệm chlamydia…
  • Siêu âm sản phụ khoa: Để kiểm tra và phát hiện các bệnh lý phụ khoa như u nang buồng trứng, u xơ tử cung, buồng trứng đa nang hay các bất thường bẩm sinh ở đường sinh dục nữ (tử cung đôi, tử cung 2 sừng, tử cung 1 sừng, tử cung có vách ngăn…) Bên cạnh đó, đếm nang noãn cơ bản ở cả 2 buồng trứng vào ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt.

Người chồng cũng được chỉ định làm một số xét nghiệm:

  • Xét nghiệm tinh dịch đồ: Đấy là một xét nghiệm không thể thiếu trong đánh giá sức khỏe sinh sản của người chồng. Xét nghiệm này đánh giá số lượng cũng như chất lượng tinh dịch như tinh trùng ít, không có tinh trùng, tinh trùng hình dạng bất thường, tinh trùng di động kém…
  • Trường hợp xét nghiệm tinh dịch người chồng không có tinh trùng, bác sĩ sẽ cho tiến hành thêm các xét nghiệm chuyên sâu khác như: Xét nghiệm các hormon sinh dục (testosterone, androgen…), siêu âm tinh hoàn…
  • Ngoài ra, người chồng cũng được tiến hành lấy máu để loại trừ các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai, HIV, viêm gan B…

Bước 2: Dùng thuốc kích thích buồng trứng.

Người vợ sẽ được tiêm thuốc kích thích buồng trứng liên tiếp từ 9 – 11 ngày. Trong thời gian dùng thuốc, người vợ cần đến viện để làm xét nghiệm máu và siêu âm theo lịch hẹn của các bác sĩ để theo dõi chặt chẽ sự phát triển của nang noãn đồng thời điều chỉnh thuốc dựa vào sự đáp ứng thuốc của cơ thể người vợ.

Khi noãn đã đạt được kích thước tiêu chuẩn, lúc này bác sĩ sẽ thực hiện mũi tiêm cuối cùng vào thời gian đã tính toán kỹ lưỡng trước đó, được gọi là mũi kích thích rụng trứng nhằm kích thích trứng trưởng thành và rụng.

Bước 3: Chọc hút trứng kết hợp với lấy tinh trùng.

Sau khi tiêm mũi kích thích rụng trứng từ 36 – 40 giờ, bác sĩ sẽ tiến hành chọc hút trứng. Trước khi tiến hành chọc hút, người vợ sẽ được gây mê trước đó để quá trình chọc hút diễn ra nhẹ nhàng, không cảm thấy đau đớn. Sau khi chọc hút trứng, người vợ cần ở lại bệnh viện từ 2 – 3 giờ để theo dõi sức khỏe.

Sau khi đã lấy được trứng, các bác sĩ sẽ tiến hành tách trứng và dịch nang ở dưới kính hiển vi. Quá trình này diễn ra trong môi trường phòng thí nghiệm.

Cùng lúc này, người chồng sẽ lấy tinh trùng để phục vụ cho quá trình thụ tinh.

Bước 4: Tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm.

Trứng và tinh trùng ngay sau khi được lấy sẽ chuyển tới phòng Labo để tiến hành thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Thông thường, phôi sau khi tạo sẽ được nuôi cấy từ 3 – 5 ngày trước khi tiến hành chuyển vào buồng tử cung của người vợ. 

Quá trình thụ tinh ống nghiệm IVF có thể thu được nhiều phôi cùng một lúc. Số phôi này có thể được chọn chuyển vào buồng tử cung của người vợ (gọi là chuyển phôi tươi), ngoài ra cũng có thể được bảo quản trong tủ lạnh, phôi này có thể được sử dụng cho những lần chuyển phôi sau này.

Thông thường, khi chuyển phôi, các bác sĩ sẽ chuyển từ 2 phôi trở lên. Việc này vừa giúp khả năng đậu thai cao hơn, vừa giúp tăng tỷ lệ thai đôi với những cặp vợ chồng muốn sinh đôi. Chính vì có phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) mà ngày nay, tỷ lệ mang đa thai ngày càng nhiều.

Quá trình thụ tinh được thực hiện trong ống nghiệm
Quá trình thụ tinh được thực hiện trong ống nghiệm

Bước 5: Chuyển phôi vào lại buồng tử cung của người vợ.

Tùy theo số lượng phôi thành công thu được, tình trạng của từng cặp vợ chồng mà bác sĩ và gia đình vợ chồng sẽ thống nhất số phôi chuyển lại vào buồng tử cung và số phôi dự trữ trong tủ lạnh bảo quản cho lần sau. Phôi thường được chuyển lại vào buồng tử cung sau khi chọc hút từ 3 – 5 ngày, khi mà niêm mạc tử cung đã phát triển đủ về độ dày, ổn định, đảm bảo cho sự làm tổ và phát triển của phôi thai.

Còn nếu trường hợp lần chuyển phôi này là chuyển phôi được trữ đông, người vợ sẽ được chỉ định dùng thuốc và siêu âm để theo dõi niêm mạc tử cung từ 14 – 18 ngày kể từ ngày thứ 2 của chu kỳ kinh nguyệt để chọn ngày thích hợp trước khi tiến hành cấy phôi trữ đông lại vào buồng tử cung của người vợ.

Bước 6: Thử thai sau khi đã chuyển phôi.

Sau 2 tuần kể từ ngày chuyển phôi, người vợ sẽ quay lại bệnh viện để làm xét nghiệm kiểm tra nồng độ beta hCG nhằm xác định tình trạng có thai hay chưa. Sau đó 2 ngày, người vợ sẽ quay lại viện 1 lần nữa để kiểm tra nồng độ beta hCG. 

  • Nếu nồng độ beta hCG tăng lớn hơn hoặc bằng 1,5 lần so với lần xét nghiệm trước đó nghĩa là thai đang phát triển. Lúc này, người mẹ sẽ tiếp tục sử dụng thuốc dưỡng thai và đến siêu âm kiểm tra theo lịch hẹn để xác định tim thai và túi thai.
  • Nếu nồng độ beta hCG sau 2 ngày không tăng hoặc giảm thì cần tiếp tục theo dõi. Nếu nồng độ beta hCG giảm dần và âm tính (dưới 5 IU/l) chứng tỏ thai đã bị sảy.

Trong trường hợp sảy thai, nếu còn phôi trữ đông thì người vợ có thể sử dụng phôi trữ đông để chuyển phôi vào buồng tử cung vào chu kỳ tiếp theo mà không cần phải thực hiện lại các bước trước đó nữa.

Bước 7: Theo dõi sự phát triển của thai.

Sau khi phôi đã làm tổ và phát triển bình thường, các mẹ bầu cần tuân thủ khám thai định kỳ, làm các xét nghiệm và siêu âm theo lịch hẹn của bác sĩ để kiểm tra và theo dõi sự phát triển bình thường của thai cho tới ngày sinh đẻ. 

 

Tỷ lệ thành công của phương pháp thụ tinh ống nghiệm IVF có cao không?

Tỷ lệ thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm thay đổi khác nhau tùy vào tình trạng của từng cặp vợ chồng, đặc biệt là phụ thuộc rất nhiều vào tuổi của người vợ. Tỷ lệ thành công giảm dần theo tuổi của người phụ nữ ( phụ nữ trên 35 tuổi), tuổi của người vợ càng cao thì tỷ lệ thành công sẽ càng giảm. Thêm vào đó, một vài yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng tới tỷ lệ thành công của phương pháp hỗ trợ sinh sản này, đó là:

  • Tuổi của hai vợ chồng: Yếu tố tuổi tác của cặp vợ chồng quyết định rất lớn tới khả năng thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, đặc biệt là tuổi của người vợ. Càng lớn tuổi, số lượng cũng như chất lượng trứng ở người phụ nữ ngày càng suy giảm, đặc biệt ở phụ nữ trên 35 tuổi tình trạng này sẽ diễn ra nhanh chóng hơn và ở thời kỳ tiền mãn kinh, số lượng trứng của người phụ nữ gần như đã cạn kiệt. Khác với nữ giới, khả năng sinh tinh của nam giới có thể kéo dài trong suốt cuộc đời của họ. Tuy nhiên, nam giới càng lớn tuổi thì chất lượng tinh trùng cũng sẽ giảm dần, tuy vậy mức độ giảm không nhanh như ở phụ nữ.
  • Chế độ dinh dưỡng: Để tỷ lệ mang thai cao, cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý và khoa học. Các cặp vợ chồng cần bổ sung cho mình đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết như chất đạm từ các loại thịt trâu, thịt bò, thịt lợn, tôm, cua… và bổ sung nhiều chất xơ từ các loại rau củ quả, trái cây tươi, nước ép hoa quả… Cần tránh sử dụng các chất kích thích độc hại như rượu, bia, thuốc là, nước có ga, cà phê… Ở người vợ cần bổ sung nhiều loại thực phẩm giàu acid folic (một chất rất cần thiết cho mẹ và thai nhi trong quá trình mang thai) như giá đỗ, ngũ cốc, cam, chanh, bưởi… và các loại thực phẩm giàu omega 3 như dầu thực vật, dầu cá.
  • Chế độ sinh hoạt khoa học: Cả vợ và chồng cần rèn luyện cho mình chế độ sinh hoạt và làm việc hợp lý, tốt cho sức khỏe toàn thân cũng như sức khỏe sinh sản. Vợ chồng cần có chế độ tập thể dục thể thao đều đặn để duy trì và nâng cao sức khỏe. Bên cạnh đó, luôn giữ cho mình một tinh thần thoải mái, vui vẻ, lạc quan… Đặc biệt, trong thời gian đã cấy phôi, cần hạn chế quan hệ tình dục trong khoảng thời gian này để tránh kích thích co bóp tử cung gây ảnh hưởng tới sự làm tổ và phát triển của phôi thai.
  • Không mắc các bệnh ở đường sinh dục: Trước khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm với mọi cặp vợ chồng, bác sĩ luôn chỉ định cho các cặp vợ chồng làm các xét nghiệm để kiểm tra sức khỏe sinh sản để phát hiện các bất thường tại cơ quan sinh dục cũng như có đang mắc các bệnh lý viêm nhiễm hay lây truyền qua đường tình dục hay không.
  • Chọn cơ sở điều trị chất lượng, uy tín: Trước khi tiến hành điều trị bất cứ một phương pháp hỗ trợ sinh sản nào, các cặp vợ chồng cần tìm hiểu thật kỹ cơ sở điều trị mà mình sẽ lựa chọn tin tưởng. Thụ tinh trong ống nghiệm là một phương pháp hỗ trợ sinh sản với một quy trình thực hiện phức tạp, do đó đòi hỏi trang thiết bị hiện đại, các bác sĩ thực hiện phải được đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm để lựa chọn và áp dụng hiệu quả các phác đồ điều trị phù hợp cho từng trường hợp. Đồng thời, quy trình thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm cần được thực hiện trong phòng thí nghiệm đã đạt chuẩn các tiêu chí kiểm duyệt về các yếu tố: Vô trùng tuyệt đối, nhiệt độ, độ ẩm không khí phù hợp… tạo môi trường thuận lợi cho việc nuôi cấy phôi.

Xem thêm: Thụ tinh nhân tạo IUI giải pháp cho các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn

Trên đây là những thông tin cần thiết về phương pháp thụ tinh ống nghiệm IVF mà Bangkok Hospital muốn gửi tới bạn đọc. Hy vọng bài viết giúp bạn giải đáp được các câu hỏi thắc mắc về phương pháp thụ tinh nhân tạo này. Chúc bạn nhiều sức khỏe và đừng quên theo dõi các bài viết tiếp theo trên Fanpage của Bangkok Hospital nhé!

Tác Giả ThS.Bs Hoàng Đình Trường

Tôi là ThS.Bs Hoàng Đình Đường. Tôi hiện:
- Tốt nghiệp Đại học Y thành phố Hà Nội
- Tham gia tu nghiệp tại Thái Lan và Pháp
- Chuyên gia hút mỡ tạo hình bụng hàng đầu

Bác sĩ thẩm mỹ cũng tương tự như họa sĩ vậy, chúng tôi tạo nên các bức tranh nghệ thuật đẹp đẽ, nhưng những bức tranh này không dùng cọ hoặc vẽ trên giấy. Mà những tác phẩm của chúng tôi được điêu khắc lên vóc dáng hay chính khuôn mặt của mỗi con người.

NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ TỪ BÁC SĨ

    đặt lịch bangkok hospital