U nang buồng trứng có nguy hiểm không?

U nang buồng trứng là một bệnh lý phụ khoa thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Bệnh chiếm tỷ lệ cao trong các khối u ở buồng trứng. Đa số u nang buồng trứng là lành tính, vô hại và có thể tự biến mất sau một thời gian. Tuy nhiên, một số trường hợp, khối u có thể biến thành ung thư gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người phụ nữ, thậm chí là tử vong. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm u nang buồng trứng để kịp thời theo dõi và điều trị là rất cần thiết. Hãy cùng Bangkok Hospital tìm hiểu về u nang buồng trứng qua bài viết dưới đây nhé.

Thế nào là u nang buồng trứng?

Trước hết, bạn cần hiểu thêm về buồng trứng ở người phụ nữ. Buồng trứng là một phần trong hệ cơ quan sinh sản của người phụ nữ. Mỗi người phụ nữ sẽ có 2 buồng trứng, nằm ở 2 bên của tử cung, kích thước nhỏ khoảng bằng quả nho, màu hồng nhạt. Buồng trứng có hai chức năng là chức năng nội tiết và chức năng ngoại tiết:

  • Chức năng nội tiết: Giải phóng các hormon nội tiết tố bao gồm progesterone và estrogen, các hormon này đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe sinh sản cũng như sức khỏe toàn cơ thể.
  • Chức năng ngoại tiết: Buồng trứng sẽ phóng noãn theo chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng, tham gia vào quá trình thụ tinh với tính trùng.

U nang buồng trứng là những khối u có vỏ bọc ngoài mỏng, bên trong có chứa dịch đơn thuần hoặc phối hợp với các thành phần khác. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất là độ tuổi từ 30 – 45 tuổi. 

U nang buồng trứng có thể gây rối loạn kinh nguyệt, gây khó chịu tại chỗ, làm giảm chức năng sinh sản, đôi khi gây suy nhược cơ thể thậm chí có thể gây tử vong do các biến chứng khi u nang buồng trứng chuyển thành ung thư buồng trứng. 

Việc chẩn đoán u nang buồng trứng tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, do triệu chứng và tiến triển của khối u rất phức tạp nên việc điều trị và tiên lượng còn gặp nhiều khó khăn. 

u nang buồng trứng
U nang buồng trứng

Có mấy loại u nang buồng trứng?

Theo y học, u nang buồng trứng được chia thành 2 loại chính là u nang cơ nang và u nang thực thể. Với mỗi loại u sẽ có những biểu hiện, tiến triển và phương pháp theo dõi điều trị khác nhau.

U nang cơ năng

U nang cơ năng là loại u tổn thương về mặt chức năng buồng trứng, không có tổn thương về giải phẫu. Kích thước u nang buồng trứng cơ năng thường nhỏ hơn u nang thực thể, đường kính thường nhỏ hơn 6cm, có những loại lớn nhanh nhưng mất đi cũng sớm, thường chỉ tồn tại sau vài chu kỳ kinh nguyệt.

U nang cơ năng có 3 loại chính:

  • U nang bọc noãn: U được sinh ra từ bọc De Graff không vỡ đúng ngày quy định, tiếp tục tiết estrogen và lớn lên. U thường nhỏ, kích thước thay đổi.
  • U nang hoàng tuyến: U này thường gặp ở người chửa trứng, chorio, do tăng hCG. Ngoài ra, có thể gặp ở người đang điều trị hormone sinh dục với liều cao trong bệnh tuyến yên. Khi khỏi bệnh thì nang hoàng tuyến cũng biến mất theo.
  • U nang hoàng thể: U này được sinh ra từ hoàng thể, chỉ gặp trong thời kỳ thai nghén do chửa nhiều thai, u nang chế tiết nhiều estrogen, progesteron.

U nang thực thể

Khác với u nang cơ năng, u nang thực thể có sự tổn thương thực thể giải phẫu buồng trứng. U thường phát triển chậm nhưng không bao giờ tự mất đi nếu không điều trị. Kích thước u nang thực thể thường lớn, có vỏ dày. Đa số u nang thực thể là u lành tính.

Có 3 loại u nang thực thể chính:

  • U nang nước: U thường gặp ở người trẻ. U có cuống dài, vỏ mỏng, nhẵn, thường chỉ có một túi, trơn, ít dịch, dịch có thể trong hoặc có màu vàng chanh. 
  • U nang bì: U này thường gặp ở người trẻ. U có kích thước nhỏ, cuống dài, trong chứa nhiều tổ chức như tuyến bã, răng, tóc, dịch bã đậu… là các tổ chức có nguồn gốc từ bào thai. 
  • U nang nhầy: Là loại u có kích thước lớn nhất trong các loại u nang buồng trứng, có khi nặng tới 40 – 50kg. U hay dính vào các tạng xung quanh, u nang có nhiều túi, dịch trong đặc hay dịch nhầy, màu vàng nhạt hoặc màu nâu. 

Nguyên nhân gây u nang buồng trứng

Ngày nay, nguyên nhân gây u nang buồng trứng vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc u nang buồng trứng như sau:

  • Mang thai: Theo nghiên cứu, u nang buồng trứng có thể hình thành khi trứng rụng tồn tại trên buồng trứng trong suốt thai kỳ. 
  • Nhiễm trùng vùng chậu: Khi các nhiễm trùng lan tới buồng trứng có thể hình thành nên các khối u nang buồng trứng.
  • Lạc nội mạc tử cung: Nếu các tế bào lạc nội mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung, gắn vào buồng trứng có thể hình thành nên u nang buồng trứng.
  • Sử dụng thuốc tránh thai bừa bãi.
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh.
  • Tâm lý lo lắng, stress, căng thẳng quá mức.
  • Thể trạng thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ hình thành u nang buồng trứng.
  • Tiền sử mắc u nang buồng trứng: Với người bệnh đã từng mắc u nang buồng trứng thì nguy cơ tái phát là rất cao.
  • Tiền sử gia đình: Trong gia đình có mẹ hay chị em gái mắc u nang buồng trứng thì tỷ lệ mắc tăng so với người bình thường.

Biểu hiện của u nang buồng trứng

U nang buồng trứng đa số là lành tính, chỉ có phần nhỏ tiến triển thành ác tính (ung thư buồng trứng). U nang buồng trứng thường tiến triển âm thầm, chậm, triệu chứng mơ hồ không điển hình khiến chị em dễ bỏ qua hoặc chỉ phát hiện tình cơ khi siêu âm. Tuy nhiên, một số trường hợp khối u tiến triển thành ác tính và gây nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh, thậm chí là tử vong. Do đó, việc nhận biết sớm các dấu hiệu của u nang buồng trứng là rất cần thiết.

Tùy theo kích thước và tính chất của khối u nang buồng trứng mà có biểu hiện bệnh khác nhau. Một số biểu hiện có thể gặp ở người bệnh u nang buồng trứng như:

  • Với u nang buồng trứng kích thước nhỏ: Triệu chứng thường nghèo nàn, khối u có thể tiến triển nhiều năm mà không gây bất thường gì, bệnh nhân vẫn sinh hoạt mọi thứ bình thường. Bệnh thường được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ, khám phụ khoa hay siêu âm…
  • Với u nang buồng trứng kích thước lớn: Bệnh nhân có cảm giác tức nặng bụng dưới, có các biểu hiện do chèn ép các tạng xung quanh gây tiểu rắt, bí tiểu, táo bón.
  • Đau khi quan hệ: Nếu khi quan hệ xuất hiện đau ở 1 bên so với bên còn lại thì cần nghĩ tới u nang buồng trứng. Đặc biệt với những khối u kích thước lớn tới tận cổ tử cung sẽ gây đau đớn nhiều khi quan hệ.
  • Rối loạn kinh nguyệt cũng là triệu chứng thường gặp của u nang buồng trứng do bệnh làm thay đổi nội tiết tố nữ gây kinh nguyệt bất thường như rong kinh, rong huyết, cường kinh hay vô kinh.
  •  Khối u nang có thể rất to, đôi khi còn thấy bụng dưới to lên như mang thai, sờ thấy khối u di động, ấn có thể đau ít hay nhiều. 
  • Khám âm đạo: Tử cung kích thước bình thường, cạnh tử cung có khối tròn đều, di động dễ dàng, ranh giới rõ ràng với buồng tử cung.
  • Một số trường hợp u nang dính hoặc u nang trong dây chằng rộng di động sẽ hạn chế đôi khi khó phân định ranh giới với buồng tử cung hay mắc kẹt trong tiểu khung. 

Ngoài ra, triệu chứng của u nang buồng trứng còn biểu hiện qua các xét nghiệm như:

  • Định lượng hCG âm tính loại trừ trường hợp người bệnh có thai.
  • Siêu âm thấy vị trí, kích thước, tính chất và ranh giới rõ ràng của khối u.
  • Nội soi ổ bụng trong trường hợp khối u nhỏ, siêu âm không xác định chắc chắn, nghi ngờ với chửa ngoài tử cung.
  • Chụp bụng không chuẩn bị giúp chẩn đoán được các khối u nang bì buồng trứng.
  • Chụp tử cung – vòi trứng có tiêm thuốc cản quang thấy tử cung lệch một bên, vòi tử cung bên phía u dài ra, ôm lấy buồng tử cung.

U nang buồng trứng có nguy hiểm không?

Tùy vào tính chất u nang buồng trứng là u nang cơ năng hay u nang thực thể mà mức độ nguy hiểm của bệnh là khác nhau. Phần lớn u nang buồng trứng cơ năng là các khối u lành tính, có thể tự biến mất sau vài chu kỳ kinh và không gây nguy hiểm cho người bệnh. Trái lại, u nang thực thể là tổn thương giải phẫu không thể tự biến mất nếu không điều trị, khối u tiến triển chậm, âm thầm, to dần qua nhiều năm. Tới biểu hiện triệu chứng tức là khối u đã to chèn ép vào các tạng xung quanh, vào mạch máu và thần kinh gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng người bệnh.

Một số biến chứng của u nang buồng trứng có thể gặp:

  • Xoắn u nang: Đây là biến chứng hay gặp nhất. Xoắn u có thể gặp ở bất kỳ loại u nào, tuy nhiên thường gặp hơn cả là các khối u kích thước nhỏ, đường kính trung bình từ 8 – 15cm, có cuống dài, không dính, xoắn nang có thể xảy ra khi đang mang thai, nhất là trong những tháng đầu thai nghén, hoặc sau khi đẻ. Có 2 hình thức xoắn u:

Xoắn cấp tính: Bệnh cảnh xảy ra đột ngột, bệnh nhân đau dữ dội, có thể ngất, có thể nôn, buồn nôn, khối u đau nhiều. Khi ấn vào khối u rất đau, di động hạn chế.

Xoắn bán cấp: Đau âm ỉ, từ từ, đau có thể giảm hay hết khi thay đổi tư thế, do tự tháo xoắn, tuy nhiên thi thoảng lại hay tái xoắn.

  • Chảy máu trong nang: Đây là hậu quả của hiện tượng xoắn u, mạch máu bị xoắn gây ứ máu, máu không trở về được gây vỡ mạch, nang to dần lên.
  • Vỡ nang: Thường xảy ra sau khi nang bị xoắn hoặc sau một chấn thương ở bụng dưới hay do thăm khám thô bạo. Hậu quả này gây chảy máu ổ bụng cấp tính.
  • Nhiễm khuẩn nang: Hiện tượng này xảy ra sau khi xoắn nang. Nhiễm khuẩn làm nang to lên, dính vào các tạng xung quanh. Bệnh biểu hiện giống viêm niêm mạc tử cung.
  • Chèn ép tiểu khung: Biến chứng này thường xuất hiện muộn, khi các khối u đã phát triển lâu, kích thước lớn. Khối u đè vào trực tràng, bàng quang gây táo bón, bí tiểu, tắc ruột. Trường hợp nang to, tiến triển nhiều năm choán chỗ trong ổ bụng, chèn ép vào tĩnh mạch chủ dưới gây phù, tuần hoàn bàng hệ, cổ chướng. 
  • Ung thư hóa: Ung thư buồng trứng có thể xảy ra ở cả 3 loại u nang thực thể nhưng thường gặp hơn cả là u nang nước. Bệnh nhân gầy sút cân nhanh, u to nhanh, nhiều thùy của u xâm lấn các tạng xung quanh. 
  • U nang và thai nghén: U nang buồng trứng trong thời kỳ mang thai có thể gây sẩy thai, đẻ non, u tiền đạo, ngôi bất thường, xoắn u nang sau . U nang buồng trứng được chẩn đoán qua khám thai định kỳ hoặc qua siêu âm. Có thể gặp bất kỳ loại nang nào, nhưng thường gặp là u nang hoàng thể, u nang bì, rất ít khi gặp u nang ác tính.
Xoắn u nang
Biến chứng xoắn u nang

Điều trị u nang buồng trứng

Nguyên tắc điều trị

Một số nguyên tắc được đặt ra trong điều trị u nang buồng trứng như sau:

  • Khi đã chẩn đoán u nang thực thể thì nên tiến hành mổ cắt u sớm.
  • Nang nước gặp ở người lớn tuổi nên tiến hành cắt buồng trứng 2 bên.
  • Nang nhầy 1 buồng trứng cũng nên cắt bỏ cả 2 bên buồng trứng tránh tái phát.
  • U nang bì buồng trứng chit nên cắt bỏ khối u, cố gắng bảo tồn nhu mô lành.
  • Nếu u nang buồng trứng 2 bên ở người trẻ cần bảo tồn bên lành.
  • Nang ở phụ nữ có thai, nếu có chỉ định giữ thai nên bóc nang vào tháng thứ tư.
  • Trường hợp u nang buồng trứng có dấu hiệu nứt vỡ cần sinh thiết tức thì để đề phòng ung thư buồng trứng.
  • U nang buồng trứng kích thước lớn ở người già tránh làm giảm áp lực đột ngột trong ổ bụng.
  • Nếu các khối u nang phát triển trong đáy dây chằng rộng, cần bóc tách u hết sức cẩn thận tránh chạm vào bàng quang, niệu quản, trực tràng, ruột…

Điều trị cụ thể

Tùy từng loại u sẽ có các phương pháp theo dõi và điều trị khác nhau.

  • Với u nang buồng trứng cơ năng: 

Thường không cần điều trị, bác sĩ chuyên khoa sẽ cho bạn theo dõi định kỳ từ 3 – 6 vòng kinh, u nang buồng trứng cơ năng sẽ biến mất sau vài chu kỳ kinh. Phẫu thuật chỉ được thực hiện khi có biến chứng.

  • Với u nang buồng trứng thực thể:

Phẫu thuật là phương pháp chủ yêu. Cần phẫu thuật càng sớm càng tốt nhằm tránh dẫn tới biến chứng và ung thư hóa. 

Trong trường hợp u lành, u ở cả 2 buồng trứng, bệnh nhân trẻ nên bóc u nang để lại phần lành. Khi phẫu thuật tốt nhất nên lấy cả khối. Nếu u quá to hay u mắc kẹt vào dây chằng rộng hoặc tiểu khung thì nên hút bớt dịch, nên chèn gạc thật tốt để tránh dịch tràn vào trong ổ bụng. 

Khối u dính cần bóc tách lấy u cẩn thận vì dễ gây tổn thương các tạng xung quanh. 

Khi phẫu thuật các khối u nang buồng trứng xoắn cần thực hiện cặp, cắt trước khi tháo xoắn.

Các khối u đều phải được gửi đi làm giải phẫu bệnh để xác định tính chất lành tính hay ác tính để có phương pháp theo dõi và điều trị phù hợp nhất.

Trong trường hợp khối u ác tính, phải cắt tử cung hoàn toàn, cắt bỏ cả buồng trứng bên còn lại, cắt một phần mạc nối lớn và tiếp tục điều trị hóa chất. 

Xem thêm: Lạc nội mạc tử cung và những điều cần biết

Cách phòng ngừa u nang buồng trứng

Hiện nay chưa có biện pháp nào giúp phòng ngừa u nang buồng trứng một cách tuyệt đối. Tuy nhiên, các phương pháp sau đây có thể làm giảm nguy cơ mắc u nang buồng trứng.

  • Chế độ ăn uống khoa học: 

Nên ăn bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và protein với nhiều rau xanh, hoa quả tươi như: Củ cải, cà rốt, ớt chuông, cam, bưởi… Các thực phẩm này chứa nhiều vitamin A, có khả năng làm giảm nguy cơ mắc u nang buồng trứng.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng ăn nhiều loại thịt đỏ làm tăng nguy cơ mắc bệnh u nang buồng trứng, còn ăn nhiều rau xanh giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh. 

Hạn chế sử dụng quá mức chất béo có thể gây cường estrogen gây tăng nguy cơ mắc bệnh.

  • Rèn luyện thể dục thường xuyên: 

Thường xuyên rèn luyện thể thao giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, giúp ngăn ngừa u nang buồng trứng cũng như các bệnh lý khác trong cơ thể. Cụ thể, việc thể dục nhẹ nhàng phù hợp khoảng 30 phút mỗi ngày giúp làm giảm nguy cơ mắc u nang buồng trứng.

  • Thói quen sinh hoạt khoa học:

Uống đủ nước mỗi ngày vì cơ thể chúng ta chiếm phần lớn là nước. Việc uống đủ nước làm thanh lọc cơ thể, đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể. Trung bình mỗi ngày chị em phụ nữ nên bổ sung từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày tùy vào môi trường làm việc, chế độ ăn, thời tiết và sự mất mồ hôi của cơ thể, tránh khiến cơ thể trong tình trạng thiếu nước.

Tránh tâm lý lo lắng, căng thẳng, stress, trầm cảm, suy nghĩ, tức giận… đều gây ảnh hưởng tới sức khỏe của cơ thể, dẫn tới dễ mắc các bệnh lý phụ khoa trong đó có u nang buồng trứng.

  • Tránh nạo phá thai: 

Việc nạo hút thai không an toàn là một trong những nguyên nhân gây u nang buồng trứng, rối loạn chức năng cơ quan sinh dục. Do đó, cần có biện pháp hạn chế biến chứng của việc nạo hút thai đó là sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, nạo hút thai phải được tiến hành tại các cơ sở chuyên khoa uy tín.

  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ:

Đây là yếu tố quan trọng nhất trong phòng tránh bệnh lý u nang buồng trứng nói riêng và các bệnh lý khác của cơ thể nói chung. Bởi bệnh nhiều khi diễn biến thầm lặng, không có triệu chứng rõ ràng khiến chị em dễ bỏ qua. Do đó việc khám phụ khoa định kỳ giúp chị em phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý phụ khoa trong đó có u nang buồng trứng.

  • Vệ sinh vùng kín đúng cách:

Việc vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đúng cách giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa – một trong những nguyên nhân dẫn tới u nang buồng trứng. Vì vậy, chị em cần chọn cho mình những đồ nội y thoải mái, vừa vặn, chọn dung dịch vệ sinh phụ nữ chất lượng và biết cách vệ sinh vùng kín đúng cách.

Trên đây là những thông tin cần thiết về bệnh u nang buồng trứng mà Bangkok Hospital muốn gửi tới bạn đọc. Tuy vậy, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, khi có biểu hiện bất thường,  nên tới khám và nghe tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa. Nếu bạn còn thắc mắc nào, hãy liên hệ với Fanpage của Bangkok Hospital nhé. Chúc bạn nhiều sức khỏe!

Tác Giả ThS.Bs Hoàng Đình Trường

Tôi là ThS.Bs Hoàng Đình Đường. Tôi hiện:
- Tốt nghiệp Đại học Y thành phố Hà Nội
- Tham gia tu nghiệp tại Thái Lan và Pháp
- Chuyên gia hút mỡ tạo hình bụng hàng đầu

Bác sĩ thẩm mỹ cũng tương tự như họa sĩ vậy, chúng tôi tạo nên các bức tranh nghệ thuật đẹp đẽ, nhưng những bức tranh này không dùng cọ hoặc vẽ trên giấy. Mà những tác phẩm của chúng tôi được điêu khắc lên vóc dáng hay chính khuôn mặt của mỗi con người.

NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ TỪ BÁC SĨ

    đặt lịch bangkok hospital